Âm nhạc cổ truyền và nghệ thuật truyền thống
Đồng Nai là quê hương của các loại nhạc cụ dân gian độc đáo như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiềng đồng, thanh la, khèn bầu, khèn môi. Việc tìm ra đàn đá Bình Đa ở Đồng Nai, được biết đến như một di chỉ khảo cổ học, cho thấy việc chế tác đàn đá đã xuất hiện từ trên dưới 3,000 năm trước.
Do mới hình thành từ sự hội nhập của nhiều lớp dân cư cách đây hơn ba thập kỷ, ở Đồng Nai không có các làn điệu dân ca nào đặc thù, nhưng lại có gần đủ các loại dân ca xứ Trung, xứ Bắc, quan họ, ca Huế, ví dặm… Trong sinh hoạt thông thường, người Đồng Nai xưa có sinh hoạt nghệ thuật: hò hát, lý, kể vè, nói thơ, nói tuồng, đồng dao, đờn ca tài tử. Phổ biến ở Biên Hòa là hò cấy, hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò đò dọc, hò rỗi, lý Đồng Nai, lý lu là, lý trèo lên. Các bài vè quen thuộc đã lưu truyền cả nước: vè Hương thân Cẩn, vè rượu …
Trong việc thực hiện nghi lễ có 2 hình thức diễn xướng nghệ thuật truyền thống đáng chú ý: xây chầu, đại bội ở lễ hội Kỳ yên cúng đình và hát múa Địa – Nàng, bóng rỗi ở lễ hội cúng miếu. Còn phải kể đến lối hát Tam Pót của dân tộc Mạ, một loại hình hát kể có vần điệu được lưu truyền trong cộng đồng người Mạ ở huyện Định Quán hiện đang được khôi phục lại.