Cỏ hồng đang nở khắp nơi tại Đà Lạt, ở những ngọn đồi dưới tán rừng thông hay trong khuôn viên các điểm du lịch như thung lũng Vàng, khu vực đồi trọc, cây cô đơn Dankia hoặc xa hơn về ngoại thành là đồi Masara.
Trên ảnh là đồi cỏ hồng La An, gần làng Cù Lần, cách trung tâm TP Đà Lạt 9 km. Loài cỏ dại này thường nở đến dịp Noel, nên còn được gọi bằng tên “cỏ Noel”.
Nhiếp ảnh gia Cấn Văn Phú (31 tuổi) có chuyến đi chụp ảnh mùa cỏ hồng đặc trưng của phố núi Đà Lạt, cuối tháng 11. Văn Phú là người gốc Hà Nội, sống ở Đà Lạt hơn 10 năm. Từ năm 2015 đến nay, Văn Phú lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp về phong cảnh, nhịp sống con người Đà Lạt.
Phú cho hay, thường khi mùa mưa qua, cỏ già lụi đi và cỏ non dần nhú lên khỏi mặt đất, lá cỏ và những bông hoa nhỏ li ti có màu tìm hồng. Nhìn tổng thể, gam hồng cỏ dại khiến khung cảnh trở nên khác lạ với những mùa khác trong năm.
Năm nay, mùa hội cỏ hồng Lang Biang lần thứ tư sẽ tổ chức gần khu vực cây thông cô đơn, hồ Đan Kia – Suối Vàng (ảnh), là một trong ba chương trình của huyện Lạc Dương hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt (diễn ra từ 1/11 đến hết tháng 12).
Cỏ hồng đọng sương vào buổi sáng.
Đôi bạn Phúc – Lê đến từ TP HCM chọn đồi cỏ hồng gần khu vực cây cô
đơn, huyện Lạc Dương để lưu lại những bức ảnh kỷ niệm.
Để có những bức ảnh đẹp nhất, nếu có thời gian, Phú khuyên du khách nên đi xa hơn ra ngoại thành tại thôn văn hóa Masara, xã Tà Năng, Đức Trọng, cách phố núi 80 km. Đồi Masara có lẽ là một trong những điểm ngắm bình minh đẹp nhất ở Đà Lạt. Đồi có từng mảng cỏ trải dài, nối tiếp trong một khoảng không gian rộng.
“Nếu may mắn, du khách sẽ gặp cảnh sương và ray nắng đầu ngày xuyên qua hàng thông”, Văn Phú chia sẻ thêm.
Du khách cũng có thể trải nghiệm cắm trại lúc hoàng hôn, ngủ qua đêm trong rừng để đón bình minh giữa đồi cỏ hồng. Lưu ý lúc giữa khuya, nhiệt độ ngoài trời rất lạnh nên du khách phải dùng đến những lều chuyên dụng có khả năng giữ ấm.